6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Những danh hương ở vùng quê xứ Lệ

- Advertisement -

Quảng Bình là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, là vùng đất văn vật. Suốt theo chiều dài lịch sử, vùng đất Quảng Bình đã hình thành nên nhiều làng văn hóa nổi tiếng “Bát danh hương” – “Sơn – Hà – Cảnh – Thổ – Văn – Võ – Cổ – Kim”.

Với truyền thống văn hóa, hiếu học đã đào luyện, hun đúc, sản sinh ra nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, danh nhân với những tố chất cao quý và đặc biệt xuất chúng trong các lĩnh vực quân sự, văn hoá – xã hội.

Những danh hương ở vùng quê xứ Lệ
Lễ hội đua bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, Lệ Thủy

Ngoài “Bát danh hương” – “Sơn – Hà – Cảnh – Thổ – Văn – Võ – Cổ – Kim” nổi danh của hai phủ Quảng Trạch và Quảng Ninh xưa, thì ở các vùng quê ở Quảng Bình cũng hình thành nên nhiều làng xã có bề dày văn hóa, hiếu học mang những nét đặc sắc. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tám làng quê của vùng đất xứ Lệ được nhân dân ca tụng.

ĐẠI PHONG:

Làng Đại Phong ngày nay là làng Đại Phúc Lộc ngày xưa, còn quen gọi là Kẻ Đợi. Năm 1530, trong triều đình Mạc Đăng Dung có 4 vị quận công (tứ trụ triều đình) thì có 3 quận công là người Đại Phong. Vua Mạc Đăng Dung bèn sai thây địa lý vào nghiên cứu mảnh đất Đại Phong. Viên quan này “đi thực tế” về, bèn tâu vua rằng: Đất Đại Phong có hình dáng con phụng (phượng hoàng). Đó là mảnh đất đế vương, nếu nhà vua không kịp yểm thì đất ấy vđi những con người ấy sẽ lấn át cả triều đình!

Nghe lời, Mạc Đăng Dung ra lệnh cho quân lính về Đại Phong đào một con hói (Hói Đợi) từ sông Binh Giang (sông Kiến Giang) đến làng Mỹ Phước, xuyên thẳng giữa hai làng với ý đồ cắt đứt “long mạch”. Thế nhưng “long mạch” vẫn cứ dồi dào, nhân tài vẫn sinh sôi nẩy nở.

Ngoài ba vị quận công nói trên, mảnh đất này cũng sản sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng. Cũng không ít người làm rạng mặt quê hương như Phạm thượng tướng theo nhà Lê khởi binh giết được nhiều chỉ huy giặc (theo Dương Văn An – Ô châu cận lục). Rồi đến năm 1886, hưởng ứng phong trào cần Vương của vua Hàm Nghi có Đoàn Công Ân (Đề Ân), có Phạm Xuân Trân nhanh chóng hòa nhập vào các tầng lớp sĩ phu yêu nước trong vùng, kêu gọi mọi người theo Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết dựng cờ cần Vương chống Pháp. Cuối năm 1886, Phạm Xuân Trân được vua Hàm Nghi phong tước Tham tán đại thần.

Ngoài ra, Đại Phong cũng có những danh nhân học cao như Trần Khánh Hội, đỗ Phó bảng khoa Quý Dậu – Thị lang; Trần Đức Quảng, Trần Đức Nghiệp thi đỗ “huynh đệ đồng khoa”, anh tú tài em cử nhân, làm quan đến chức Ngự sử.

Thời đại Hồ Chí Minh, hợp tác xã Đại Phong trở thành ngọn cờ đầu nông nghiệp toàn miền Bắc vang tiếng một thời.

- Advertisement -

AN XÁ:

Đời Lê Anh Tông (1565), An Xá có vị Tiến sĩ Lê Đa Năng; Đời Mạc có Tiến sĩ Phạm Đại Kháng. Ngày này, An Xá là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng “văn võ song toàn” lừng danh trong lịch sử, uy tín tỏa rộng trong và ngoài nước. An Xá là một trong những làng hoạt động cách mạng sớm nhất Lệ Thủy với hàng loạt cán bộ tiền khởi nghĩa như: Võ Nguyên Giáp, Võ Thuần Nho, Võ Chương Hiến, Võ Hựu, Đào Viết Doãn, Bùi Xuân Các, Võ Chí Đức, Trần Bội,…

PHÙ CHÁNH:

Một làng nghèo ở miền quê cát trắng cạnh đường quốc lộ 1, ruộng đất cằn cỗi bạc màu. Người dân Phù Chánh cần cù, chịu thương chịu khó nhưng diều đáng quý hơn là nơi “cồn khô cát bạc” khắc nghiệt ấy lại có truyền thống văn hiến nổi tiếng được sử sách truyền tụng. Đặc biệt, dưới thời nhà Nguyễn, Phù Chánh đã sinh ra dòng họ Nguyễn Đăng từ đời ông, con, cháu chắt đều học hành đỗ đạt, làm quan thanh liêm chính trực, một lòng yêu nước, thương dân.

Mở đầu dòng họ là Nguyễn Đăng Tuân có tên chữ là Tín Phu, sách Chính biên liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Buổi đầu đời Gia Long, lấy văn học được cống cử, vào làm việc ở Hàn lâm, đã từng làm quan Tri huyện Ngọc Sơn, rồi về Kinh sung chức Tư giảng ở Công phủ, đổi làm Thị giảng ở cung Chẩn Hanh. Minh Mạng năm thứ nhất (1820) bổ làm Thiêm sự bộ Lễ”. Là một học sĩ tính tình thuần nhất, lối học chủ về nghĩa lý Nguyễn Đăng Tuân là một vị đại thần hết lòng yêu nước, thương dân, sống cuộc đời thanh bạch không ham chức tước, bổng lộc. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) Nguyễn Đăng Tuân được sung chức Sư bảo dạy các hoàng tử. Là người thầy mẫn cán, nghiêm khắc ông luôn chú trọng đến việc dạy các hoàng tử “nên người có đức”.

Con Nguyễn Đăng Tuân là Nguyễn Đăng Giai có tên chữ là Toản Phu là người khôi ngô tuấn tú, lúc còn nhỏ chỉ học chữ ở nhà nhưng đến năm Minh Mạng thứ nhất (1820) vẫn thi đỗ Hương tiến vào làm việc ở Hàn lâm viện rồi sau đó thăng lên các chức Lang trung bộ Hộ, Tham hiệp trấn Nam Định, sung chức Khảo trường Nghệ An, Bố chính sứ Thanh Hóa, Tổng đốc Ninh Thái, Tổng Đốc Sơn Hưng Tuyên…

Nguyễn Đăng Hành, là cháu Nguyễn Đăng Tuân, con trai đầu của Thượng thư Nguyễn Đăng Giai. Ông đỗ Tiến sĩ vào năm Tự Đức thứ nhất, được bổ tập Hiền viện Biên tu, rồi thăng lên Thị độc, lĩnh Án sát tỉnh Quảng Ngãi, Bố chính sứ Khánh Hòa…

Ngoài ra, dòng họ Nguyễn Đăng còn có Nguyễn Đăng Củ, con trai Nguyễn Đăng Hành đậu kỳ thi hương năm Giáp Thân (1884); Nguyễn Đăng Cư đậu kỳ thi hương khoa Mậu Ngọ (1818); Nguyễn Đăng Hộ, hàm Thị giảng có công đánh tiểu giặc; Nguyễn Đăng Xuân, Tri phủ Nghĩa Hưng, Nam Định)…

LỘC AN:

Thời Hậu Lê, Lộc An có Nguyễn Thế Trương làm Tri bộ Lục bộ như (như Thủ tướng Chính phủ) khi chết vua cưỡi voi về đưa đám. Thời Lê Trung Hưng có Nguyễn Thế Trực đỗ giải Nguyên (Đỗ đầu thi Hương) làm Thượng thư suốt cả thời Tây Sơn từ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đến Quang Toản. Trong trận huyết chiến tại nam sông Gianh, ông bị bắt cùng với Bùi Thị Xuân. Sau nhờ người đồng hương, cụ Trần Đình Nam tả tướng quân, quê Phan Xá tâu với Gia Long: Đây là người có tài nên dùng. Ông được nhà vua cho phục chức Thượng thư phụ trách Quốc Tử giám.

Thời Nguyễn có 7 cử nhân: Lê Văn Hy làm Tư nghiệp Quốc Tử giám; Lê Văn Nguyên (Con ông Hy) Tuần phủ, văn võ kiêm toàn, có công dẹp giặc Cờ Đen, có để lại tập thơ Hồng Hiên thi tập; Võ Trọng Gia (Tri phủ); Võ Trọng Thiều (Lang trung); Nguyễn ThếThanh (Tri phủ); Lê Văn Diễn (Con ông Hy) Tri huyện; Nguyễn Hữu Vinh (Tri huyện)…

- Advertisement -

Làng Lộc An người đỗ tú tài một khóa thì nhiều; riêng ông Tú Cóc đỗ 6 khóa liền. Tú Cóc có bài: “Văn tế cờ” nổi tiếng ca ngợi nghĩa sĩ văn thân chiến đấu dũng cảm hy sinh oanh liệt (trận đuồi Mỹ Lộc):

“Hỡi ôi! Núi Đinh Công cao ngất, lấy mực so ngay thảo phía nào hơn.

Khe Đá Bước trong veo, làm tròn xét sự tình cho được rõ.

Chỉ biết một bề phục quốc, chẳng thế này thì thế khác, trăm năm thừa toan lấy lại giang sơn.

Đã nguyền hai chữ đồng tâm, mặc khi rủi vđi khi may, ba vạn lẽ kể chi là mạng số”.

TUY LỘC:

Nằm ven bờ sông Kiến Giang. “Bơi đua kẻ Thá, chữa lã kẻ Tuy”. Hễ nơi nào có lửa cháy nhà, dù cách sông trởi đò, dân làng Tuy Lộc có mặt ngay và lập tức đám cháy được dập tắt. Làng có làng nghề giấy bổi nổi tiếng, nay có nghề nấu rượu trắng cũng nổi tiếng.

Thế kỷ XV, Tuy Lộc có Nguyễn Danh Khả tham gia khơi nghĩa Lam Sơn cùng Lê Lợi đánh quân Minh được phong chức Trung Lương đại phu, mưu sĩ, nhân vật số 2, sau Nguyễn Trãi. Có Thành Quận công theo Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, khi chết được dân làng lập đền thờ. Ở đây, có Dương Văn An, vị Tiến sĩ nhà Mạc làm quan đến Tả Thị lang bộ Lại, khi chết được phong tước Trấn Quận công; Ông để lại cho đời tác phẩm nổi tiếng “Ô châu cận luc”. Thời Tự Đức, Tuy Lộc có Phó bảng Nguyễn Thuần làm quan đến chức Lang trung.

THƯỢNG PHONG:

Nhờ vị tiền hiền khai khẩn Hoàng Hối Khanh (đỗ Tiến sĩ năm 1384) chọn chỗ lập làng phóng khoáng, ruộng đất phì nhiêu nên làng Thượng Phong (Tiểu Phúc Lộc) được thiên nhiên ưu đãi ruộng tốt nhất vùng, cảnh quan đẹp nhất xứ, đời sống kinh tế, văn hóa cao hơn mọi nơi. Thời Nguyễn, làng Thượng Phong có 4 cử nhân:

Trần Đức Nghiệp, Trần Đức Dụ, Phạm Xuân Thực, Phạm Xuân Triêm. Đặc biệt, Phạm Xuân Thực làm quan đến chức Tri phủ. Do đấu tranh chống quan trên hà khắc, tham nhũng nên cụ Phạm Xuân Thực bị cách chức về làng dạy học. Học trò có người đỗ cao làm quan to như Thượng thư Hoàng Đại Bỉnh ở Xuân Lai.

MỸ LỘC:

Thời Hàm Nghi xướng nghĩa Cần Vương, Mỹ Lộc là một trong những làng đánh Tây nổi tiếng. Nơi đây có phong trào: “Tự xuất gia huy” tiêu biểu là các nhà giàu: Bá Triêm, Bá Dị, Bá Gà, Bá Nán, Bá Hai, Lý Sen… Từ khi được vua Hàm Nghi cho ở lại phụ trách vùng nam Quảng Bình, tướng quân Hoàng Phúc lấy Mỹ Lộc làm quê hương thứ hai, lấy vỢ và sinh con. Tại Mỹ Lộc, tướng quân Hoàng Phúc mở lớp dạy võ vào ban đêm cho trai tráng trong vùng rồi cùng với Đề Én (Ngô Xá Nam), Đề Chít (Cổ Liễu), Đề Ngưỡng (Mỹ Lộc), Lãnh Nghênh (Mỹ Trạch), Hoàng Phúc đã đánh tan đội quân Nam triều từ Huế ra. Dân làng Mỹ Lộc đã ra tay tế độ, cứu giúp người bị nạn bất kể ai.

Con của tướng quân Hoàng Phúc là liệt nữ Hoàng Thị Tám. Hoàng Thị Tám sớm có lòng yêu nước, cô theo nghĩa quân Phan Đình Phùng làm cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Phan Đình Phùng tin tưởng cử cô sang Thái Lan mua vũ khí chuyển về theo đường biển. Việc bại lộ, để giữ trọn danh tiết, cô nhảy xuống biển tự vẫn khi tuổi đời 16. Tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Hoàng Thị Tám đã được tướng quân Phan Đình Phùng ca ngợi bằng bài thơ đường luật nổi tiếng vđi tám câu: Một bước chân đi bảy dặm trường Một phân trông đợi bảy phần thương Rượu nồng ba chén năm canh những Thi hứng đôi câu bảy khúc càn

Mấy vẽ mày Nghiêu thân với liễu Nữa giây đàn Thuấn bạn cùng loan Ước đặng bốn mùa xuân cả bốn Bốn phương bốn lạy với đông hoàng.

Thời Nguyễn, Mỹ Lộc có hai cử nhân võ, bốn cử nhân văn, một Tiến sĩ (Võ Khắc Triển) và một Thượng thư bộ Lại, Cơ mật viện đại thân (Võ Trọng Bình) nổi tiếng:

Thanh liêm có Võ Trọng Bình,

Thành nghiêng muốn chống một mình không xong.

Mỹ Lộc còn có một vị trạng cười hiếm có: Võ Tuấn làm quan đến chức Tri phủ. Tiếng cười của ông chống hà khắc tham nhũng, bất công, những ngang trái cuộc đời bằng văn thơ, câu đối sử dụng lối chơi chữ không dung tục mà cười hả hê.

Ngoài ra, làng Mỹ Lộc có Tiến sĩ Võ Khắc Triển, đỗ năm 1919, được xem là vị Tiến sĩ kết thúc chế độ đại khoa thời phong kiến Việt Nam, làm quan Án sát, thăng Tham tri về hưu. Cụ là một người tài giỏi, yêu nước, thanh liêm và đã có công lớn đối với công tác dịch thuật các tư liệu Hán – Nôm dưới chế độ mới.

CỔ LIỄU:

Cổ Liễu có chợ Tréo đông vui bên bờ sông Kiến; có huyện lỵ; nơi quan gia ở và làm việc hàng ngày; có trường tiểu học huyện đầu tiên ươm mầm những tài năng. Nhờ vậy, làng có điều kiện để năng cao dân trí. cổ Liễu còn có Đề Chít tên thật là Hoàng Công Bình nổi tiếng đa mưu dùng mẹo bắt gọn tên tri huyện nộp cho đồn Lèn Bạc. Khi văn thân tan rã, Đề Chít bị giặc bắt chém treo ở Huế. Thời Nguyễn, Cổ Liễu có hai cử nhân Hoàng Giảng và Hoàng Quảng Côn làm quan Thượng thư ở triều đình Huế.

  • Nguyễn Khoa Học
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm