5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Đời sông

- Advertisement -

(Phóng sự) – Với người dân vạn đò trên sông Gianh, dòng sông ấy không chỉ là chốn mưu sinh, mà còn là nơi dung dưỡng, chở che cho họ suốt những năm dài lênh đênh trên sóng nước. Vì thế, khi họ kể về dòng sông cứ như thể đang kể về chính cuộc đời của mình vậy.
 
Neo đời với… sông
 
Gần 60 tuổi đời và cũng chừng ấy thời gian ông Mai Văn Cảnh ở thôn Thanh Châu, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) đã gắn bó đời mình với đời sông. Ông nói rằng, cả 6 người anh em của ông đều được sinh ra và lớn lên trên dòng sông Gianh. Rồi đến 9 người con của ông cũng ra đời ngay chính trên dòng sông này.
 
Con sông Gianh là nơi cưu mang, nơi cho gia đình ông cái ăn, cái mặc, nuôi dưỡng bao thế hệ người dân vạn đò như ông nên người. Ông Cảnh nhớ lại, thời điểm đó, mỗi khi dân vạn đò thành gia lập thất, tách ra sống riêng, của hồi môn là một con đò. Con đò vừa là nhà, vừa là phương tiện mưu sinh. Kể từ đó, người vạn đò bắt đầu cuộc di thực mải miết trên sông, sống đời “gạo chợ, nước sông”.
 
Gốc gác ông Mai Văn Cảnh vốn ở thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc (TX. Ba Đồn). Nhưng đến đời ba của ông, cả gia đình ông đã ngược dòng sông Gianh lên vùng thượng nguồn này. Đời vạn đò lênh đênh sông nước, nay đây, mai đó. Hễ đò cắm sào ở đâu thì ở đó là quê hương. Tháng này có thể ở khúc sông này, nhưng tháng sau lại đến cắm sào ở khúc sông khác. Vì vậy, ông thuộc lòng hết tất cả những luồng lạch, con nước suốt dằng dặc dọc dài con sông Gianh này. 

Đời sôngXóm vạn đò ở thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa).

Lớn lên trong cảnh đất nước bị bom đạn chiến tranh tàn phá, người vạn đò như ông Cảnh mới thấm hiểu được nỗi khốn khổ khi nước mất nhà tan. Mỗi lúc nghe có tiếng máy bay gầm rú là gia đình ông phải sấp ngửa chèo thuyền nhanh chóng tấp vào bờ, bỏ lại thuyền, chạy lên núi tránh bom. Nhưng, khi tiếng bom vừa dứt, cả gia đình lũ lượt kéo nhau về, lại xuống sông đánh bắt cá, sống đời vạn đò một cách yên bình như chưa có điều gì xảy ra. Thời điểm ấy, dòng sông còn đầy ứ tôm cá, chứ không ít và hiếm như bây giờ. Việc đánh bắt cá cũng thô sơ hơn. Người vạn đò chủ yếu sử dụng câu và lưới nhỏ để bắt cá. Cá bắt được cũng chỉ vừa đủ cho con cái không phải thiếu miếng ăn.
 
Lâu dần, lối sống vừa đủ trở thành một triết lý sống của người vạn đò. Hơn nữa, dân vạn đò quanh năm chỉ quẩn quanh trên thuyền, nên nhu cầu cũng không quá nhiều. Cuộc sống tuy vất vả đấy, nhưng vẫn nhàn tản, thong dong, không gấp gáp, áp lực như bây giờ. Dẫu biết rằng, qua thời gian, đời người, đời sông giờ đã khác. Hơn ai hết, ông hiểu, ông biết điều đó là lẽ tự nhiên.
 
Năm 2010, ông Cảnh đưa gia đình lên bờ định cư. Ông bảo, nếu ông không lên bờ, 9 người con của ông sẽ chật vật lắm với cuộc sống vạn đò. Và ông cũng hiểu được rằng, nếu không lên bờ, các con của ông không thể có cơ hội đi xa được. Giờ đây, những người con của ông dù chưa giàu có hơn nhiều người khác, nhưng ai cũng có nghề nghiệp. Người làm công nhân, định cư lập nghiệp ở tận các tỉnh, thành phố phía Nam. Người ra nước ngoài xuất khẩu lao động. Nhẩn nha nhấp ngụm chè xanh, ông Cảnh triết lý, cuộc sống yên bình như vậy là được.
 
Còn với riêng ông, “cái máu” của vạn đò khó có thể phai nhạt. Ngôi nhà 2 tầng của ông Cảnh ở ngay bên sông Gianh. Ngày lại ngày, ông vẫn thảnh thơi chèo thuyền ra sông để sống cuộc đời ngư phủ như ông đã từng sống. Bởi, nếu phải rời xa con nước, dòng sông quê hương, có lẽ ông không thể sống được. Ở thôn Thanh Châu, ông nổi tiếng một ngư phủ “sát cá”. Ông Cảnh cũng được biết đến là người “mát tay”, khi có đến 3 lồng cá trắm nuôi giữa dòng sông Gianh. 

Đời sôngÔng Mai Văn Cảnh tự hào vì giống cá trắm sông Gianh chính hiệu nuôi được của mình.

Ông Cảnh cho biết: “Từ khi sông không thể nuôi người, người vạn đò đã chuyển sang nuôi cá lồng giữa sông. Thời nào theo nghiệp đó mà. Người vạn đò cũng vậy. Những lồng cá hàng trăm triệu đồng giữa sông Gianh này, từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều người dân nơi đây. Thôn Thanh Châu cũng là thôn có số lượng hộ nuôi cá lồng nhiều nhất xã Châu Hóa”.
 
Theo như lời ông Mai Văn Cảnh thì việc nuôi cá lồng trên sông Gianh cứ như là một sáng tạo riêng có của cư dân vạn đò trên sông. Ông Cảnh tự hào lắm về giống cá trắm sông Gianh chính hiệu của nhà nuôi được. Bởi, đấy là loài cá trắm tự nhiên ông bắt được trên sông, bỏ vào lồng để nuôi và thức ăn của nó cũng chỉ là rong, cỏ. Cá trắm lồng của ông “nổi tiếng” đến mức, nhiều người đặt hàng và chấp nhận mua giá cao hơn giá thị trường. Ông tâm sự, cũng vì nó mà cho đến giờ đây, dù đã hết sống đời vạn đò, nhưng ông vẫn chưa dứt được “duyên sông nước”. Thi thoảng, đêm nhớ ngọn gió sông, nhớ cái dập dềnh dịu dịu của sông nước, nghe tiếng cá quẫy nước đêm khuya, ông lại lọ mọ chèo thuyền ra bè cá để ngủ.
 
Những lưu dân cuối cùng
 
Ngày nay, trên dòng sông Gianh đoạn qua huyện Tuyên Hóa vẫn còn những lưu dân vạn đò sinh sống trên sông. Thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) hiện vẫn còn 6 hộ dân vạn đò. Có lẽ, họ là thế hệ lưu dân vạn đò cuối cùng còn neo đời mình lại với sông nước. Nói như thế là vì trong số 6 hộ của xóm Tràm, hiện có 3 hộ đã được chính quyền địa phương nơi đây cấp đất ở. Nhưng họ vẫn phải ở lại giữa sông nước dòng Gianh, vì điều kiện khó khăn chưa thể lên bờ dựng nhà. Và cho dù lên bờ, vì cuộc sống mưu sinh sông nước, họ vẫn phải tiếp tục bám sông. Suốt 15 năm nay, cả gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1983) ở xóm Tràm, thôn Đồng Phú vẫn phải bám sông để sống. Cuộc sống của những lưu dân vạn đò như gia đình anh Sơn ngày nay không còn cảnh di thực trên dòng sông như lúc trước.
 
Từ khi lập gia đình đến nay, cả nhà anh Sơn vẫn neo lại với khúc sông này. Ngôi nhà nổi, diện tích chừng hơn 10m2, nơi khúc ngoặt của con sông Gianh chảy qua xã Đồng Hóa là nơi sinh sống của 5 con người suốt hơn chục năm qua. Anh Sơn cho biết, buổi tối anh vẫn chèo thuyền đi đánh bắt cá. Mỗi đêm, anh cũng kiếm được 1-2 trăm nghìn đồng. Chi tiêu tằn tiện lắm, cũng tạm đủ sống. Còn 2 lồng cá trắm dưới bè, nơi sinh sống của cả nhà là tài sản, vốn liếng giá trị nhất và nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Hôm chúng tôi đến, anh Sơn đang theo học lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá.

Đời sôngBến Đồng Sơn-đoạn sông Gianh chảy qua địa phận xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa). Ảnh: Phạm Văn Thức

Anh Sơn kể: “Năm 2019, gia đình đã được chính quyền địa phương cấp đất ở trên bờ. Nhưng vì hoàn cảnh, nên chưa thể lên bờ dựng nhà ở được, đành phải chấp nhận sống trên bè. Cũng vì hoàn cảnh chứ giờ mà vẫn còn sống như thế này thì khổ quá. Đời mình khổ thì phải đành chịu, chứ không thể bắt con cái khổ mãi như thế này được. Lên bờ thì thuận tiện cho con cái học hành. Vả lại 2 đứa con gái đầu (đang học lớp 9) cũng đã lớn, sinh hoạt cũng bất tiện. Ở thì tạm thời vậy, nhưng dù có khổ mấy đi chăng nữa, cũng phải cố gắng cho 3 đứa nhỏ đi học kiếm lấy cái chữ, chứ không thể cứ mãi neo mình trên sông nước, không học hành, chữ nghĩa như ba mẹ chúng thế này được”.
 
Anh Sơn vừa dứt lời, tiếng khóc của trẻ sơ sinh bỗng vang lên từ ngôi nhà nổi bên cạnh. Anh Sơn cho hay, đó là gia đình người em trai có vợ vừa mới sinh con. Vậy là lại có thêm một đứa trẻ vạn đò vừa mới sinh ra trên dòng sông này. Rồi đây, đứa trẻ ấy sẽ lớn lên. Có thể nó vẫn phải sống đời chật vật, nổi nênh sông nước. Nhưng biết đâu đấy, sau này, nó sẽ lên bờ, được học hành, vượt qua khúc sông này, đi theo một lối đi khác. Để đến một ngày nào đó, quay trở lại bên sông, nó vẫn tự hào về nơi nó đã được sinh ra.
 
Dương Công Hợp

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/phong-su/202211/doi-song-2204798/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm