1.5 C
New York
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Khoa học công nghệ, tạo sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới

- Advertisement -

(Kinh tế) – Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đi qua nhiều chặng đường và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đóng góp không nhỏ vào những thành công đó, không thể không nhắc đến vai trò của khoa học công nghệ (KHCN). Những mô hình ứng dụng KHCN đã thúc đẩy và tạo sự đột phá trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và là động lực để các địa phương hoàn thành chương trình NTM.
 
Năm 2021, anh Nguyễn Văn Lâm, Hợp tác xã Sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Thanh Xuân (xã Quảng Xuân, Quảng Trạch) được Viện Khoa học kỹ thuật Bắc Trung bộ lựa chọn, chuyển giao kỹ thuật trồng thử nghiệm khoai lang theo Dự án nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất khoai lang bền vững theo chuỗi giá trị tại vùng Bắc Trung bộ. Nhờ việc trồng thử nghiệm ứng dụng dự án đã giúp anh phát triển thành công mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị tại địa phương.
 
Anh Lâm cho biết: “Trước đây, tôi đã thuê 4ha đất nông nghiệp để trồng các cây như khoai lang, măng tây, bí đỏ. Trong suy nghĩ của tôi lúc đó, việc trồng những loại cây này chỉ để lấy sản phẩm và mang đi bán. Tuy nhiên, sau một thời gian, do nhận thấy việc trồng và mang bán các sản phẩm nông nghiệp này không mang lại giá trị kinh tế cao nên tôi đã nghĩ ra cách chế biến và tạo ra những thành phẩm từ khoai lang, bí đỏ, măng tây”.
 
Được sự hỗ trợ về kỹ thuật trồng khoai lang theo chuỗi giá trị của Viện Khoa học kỹ thuật Bắc Trung bộ nên toàn bộ diện tích trồng khoai lang của anh phát triển tốt và cho năng suất rất cao. Từ những củ khoai lang trồng được, anh đã nghiên cứu, tìm tòi để tạo ra sản phẩm bột ăn dặm cho trẻ với thương hiệu Thanh Sơn.

Khoa học công nghệ, tạo sự đột phá trong xây dựng nông thôn mớiNghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất khoai lang bền vững theo chuỗi giá trị tại vùng Bắc Trung bộ giúp anh Lâm mở rộng mô hình sản xuất.

“Khi đã xây dựng ý tưởng sản xuất bột ăn dặm cho trẻ từ khoai lang, tôi đã mua máy hấp, máy sấy, máy nghiền để bắt tay vào làm. Nhờ sự hỗ trợ của máy móc, nên sản phẩm bột ăn dặm của chúng tôi cơ bản đã thành công và bắt đầu xuất bán ra thị trường. Với quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng được người tiêu dùng ưa thích, hiện tại sản phẩm bột ăn dặm Thanh Sơn được bán cả thị trường trong và ngoài tỉnh và đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao”, anh Lâm vui mừng cho biết.
 
Có thể nói, sự hỗ trợ của KHCN đã giúp người nông dân như anh Lâm có thể tự tin bắt tay vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Điều này có ý nghĩa không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân mà còn giúp nền nông nghiệp địa phương ngày càng phát triển theo hướng hiện đại.  
 
Không chỉ trong sản xuất hoa màu, nhiều dự án, mô hình trình diễn về chăn nuôi, các giống lúa đã được triển khai giúp người nông dân lựa chọn được những vật nuôi, giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, qua đó giúp tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
 
Vụ hè-thu năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Trạch đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình thực hiện mô hình trình diễn giống lúa chất lượng cao HC4. Mô hình được triển khai thực hiện tại xã Quảng Lưu, Quảng Phú (Quảng Trạch) với diện tích trồng thử nghiệm 10ha.
 
Những hộ dân tham gia trồng, được cung cấp giống miễn phí. Kết quả trồng thử nghiệm cho thấy, giống lúa thơm HC4 là giống lúa có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, có tính chống chịu tốt, ít sâu bệnh, chống đổ ngã, chất lượng gạo ngon và cho năng suất cao (đạt 57 tạ/ha). Với những đặc tính đó, giống lúa thơm HC4 phù hợp để trồng ở các địa phương trên địa bàn huyện.  
 
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch Trần Văn Định cho biết: Qua mô hình trình diễn cho thấy, giống lúa HC4 là giống lúa chất lượng, cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của vùng. Chính vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ xem xét và khuyến khích các địa phương đưa giống lúa này vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
 
Bên cạnh mô hình giống lúa CH4, trong những năm qua, nhiều mô hình thử nghiệm về con giống, vật nuôi, cây trồng cũng được triển khai trên địa bàn huyện. Qua đó, giúp người dân lựa chọn cây, con giống phù hợp với điều kiện địa phương để đưa vào sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập. Việc thực hiện những mô hình thử nghiệm sẽ góp phần hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.
 

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Những năm qua, KHCN đã góp phần tích cực vào sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Những kết quả nghiên cứu, những mô hình ứng dụng KHCN đã tạo sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất. Nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi khép kín công nghệ cao hình thành và đang dần phổ biến, nhân rộng. Bên cạnh đó, các mô hình trồng trọt tiên tiến thân thiện với môi trường như VietGAP, GlobalGAP phát triển đã thay đổi tư duy sản xuất cho người nông dân, qua đó tạo động lực quan trọng để các địa phương xây dựng NTM.

 
Đ.N

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202211/khoa-hoc-cong-nghe-tao-su-dot-pha-trong-xay-dung-nong-thon-moi-2204844/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,415Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm